Tổng quan về ngân hàng mở (Open Banking) | Ý nghĩa và lợi ích


Ngân hàng mở (Open banking) là một quy định yêu cầu các ngân hàng chia sẻ dữ liệu tài chính của người dùng với các nhà cung cấp bên thứ ba được ủy quyền. “Cuộc cách mạng lặng lẽ" ngân hàng mở được cho là manh nha từ năm 2018. Open Banking đã mở ra cơ hội cho ngành ngân hàng đổi mới và phát triển vượt bậc

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Hiện

Xem thêm: 

1. Ngân hàng mở là gì?

1.1. Khái niệm chung

Ngân hàng mở là một loạt quy định được Cơ quan Cạnh tranh và thị trường (CMA) kêu gọi cải cách cách thức mà các ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về việc cung cấp thông tin tài chính. Ở châu u, quy định đó còn được gọi là Chỉ thị Dịch vụ thanh toán 2 (PSD2).

Open Banking còn được biết tới với cái tên Dữ liệu ngân hàng mở. Dữ liệu này chính là dữ liệu cá nhân và tài chính (bao gồm cả đối tác tài chính) của khách hàng. Các ngân hàng và tổ chức tài chính cho phép bên thứ ba quyền truy cập và kiểm soát các dữ liệu này dựa trên sự đồng ý của khách hàng về điều khoản dịch vụ khi sử dụng dịch vụ tài chính trực tuyến. Bên thứ ba ở đây thường là các công ty khởi nghiệp công nghệ và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến.

Các dữ liệu ngân hàng mở có khả năng được dùng trong việc so sánh thông tin xác thực tài khoản, lịch sử giao dịch tài chính và tổng hợp dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng. Từ đó, bên thứ ba có thể tạo ra chương trình tiếp thị hoặc xác thực giao dịch, cập nhật sửa đổi, thay đổi tài khoản thay mặt khách hàng.

Open Banking mở ra cơ hội phát triển cho các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến.

Open banking được phát triển bằng công nghệ mã nguồn mở API (Application Programming Interface - ứng dụng giao diện lập trình). Công nghệ này cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Mục đích chính của API hoạt động trong Open banking là giúp kết nối các tài khoản của khách hàng và cho phép truy cập, truy xuất và đối chiếu các giao dịch giữa tổ chức tài chính với khách hàng để đảm bảo tính xác thực thông qua giao diện lập trình ứng dụng.

1.2. Khái niệm ngân hàng mở trên thế giới

Không khó để đoán được rằng các ngân hàng sẽ sớm ứng dụng ngân hàng mở vào phát triển mô hình kinh doanh mới. Đó gần như là kết quả xuất phát từ nhu cầu khách quan, đặc biệt là xu thế phát triển của ngành tài chính - ngân hàng.

Trong mô hình kinh doanh mới này, ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ thông qua Open API (giao tiếp lập trình ứng dụng mở) và cùng các đối tác xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn yêu cầu của người dùng. Việc ngân hàng và các nhà phát triển bên thứ ba thúc đẩy làm việc với nhau thông qua Open API của ngân hàng là yếu tố góp phần cải thiện trải nghiệm tài chính của khách hàng một cách mạnh mẽ.

Năm 2018 được coi là năm bắt đầu kỷ nguyên ngân hàng mở. Giới nghiên cứu đã sớm dự báo rằng mô hình ngân hàng này sẽ thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, tiếp thị, kiểm soát rủi ro, còn hoạt động mở là cơ hội cho ngành ngân hàng đổi mới và phát triển vượt bậc.

Năm 2018 được xem là năm bắt đầu của kỷ nguyên ngân hàng mở

Theo khảo sát của Tập đoàn IDC đối với 146 ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 70% số ngân hàng mở tăng phạm vi tiếp cận khách hàng của họ và 40% trong số này nhận thấy các luồng doanh thu trực tiếp/gián tiếp thay đổi trong ngân hàng mở và họ có khả năng sẽ gia tăng tính mở của ngân hàng vào những năm tới.

Trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia hiện đã có chiến lược và chính sách cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng Open Banking nhằm khai thác tiềm năng bởi đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện đại.

Có không ít doanh nghiệp trên thế giới đã vận dụng ngân hàng mở nhằm mang lại trải nghiệm tối ưu hơn cho khách hàng. Sync, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London - Anh, đã cho phép người dùng quản lý tất cả tài khoản tài chính của họ từ các ngân hàng khác nhau trên cùng một ứng dụng.

Tại Trung Quốc, một ví dụ cho việc ngân hàng mở được thúc đẩy là sự tích hợp giữa ngân hàng số WeBank và Wechat - một ứng dụng nhắn tin, truyền thông xã hội và thanh toán di động đa năng nổi tiếng của Trung Quốc. Nhờ sự tích hợp này, khách hàng có thể sắp xếp cuộc hẹn, chuyển tiền và gọi taxi với Wechat thay vì sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau.

Sự tích hợp giữa WeBank và WeChat tại Trung Quốc là ví dụ cho thấy ngân hàng mở đang được thúc đẩy phát triển.

1.3. Khái niệm ngân hàng mở tại Việt Nam

Việt Nam là một trong số các quốc gia thức thời và sớm vạch ra chiến lược để đặt nền tảng và khai thác tiềm năng của ngân hàng mở. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW về việc Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Đây chính là nền tảng để các bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Việt Nam đang từng bước xây dựng nền tảng để khai thác và phát triển tiềm năng ngân hàng mở.

Ngân hàng Nhà nước cũng bước đầu xây dựng, thử nghiệm và dần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hoạt động Open Banking theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg, theo đó nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng Open API là một trong số nhiệm vụ trọng tâm.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở, tạo điều kiện cho các ngân hàng cũng như cộng đồng Fintech hướng tới một hệ thống ngân hàng mở. Mục đích không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số mà còn tạo sân chơi bình đẳng trong hệ thống các ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như nhu cầu cấp thiết phải đáp ứng yêu cầu của hệ sinh thái ngân hàng mở. Để không bị tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, mỗi ngân hàng đều đang chủ động xây dựng kế hoạch đón bắt xu thế của ngành.

2. Ý nghĩa của ngân hàng mở (Open Banking)

2.1. Ý nghĩa đối với ngân hàng

Ngân hàng mở đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của các dịch vụ ngân hàng - tài chính:

    • Là nền tảng để thay đổi thị trường tài chính: Với việc phát triển dịch vụ ngân hàng mở, các ngân hàng sẽ bắt đầu tạo mối quan hệ đối tác với một số ngân hàng, công ty dịch vụ tài chính và nhà cung cấp bên thứ ba khác, dẫn đến một giai đoạn mới của tài chính mở. Điều này hỗ trợ chuyển đổi các ngân hàng thành “thị trường” cung cấp sản phẩm đặc thù từ đề nghị của tổ chức và nhà cung cấp bên thứ ba khác để khách hàng của họ lựa chọn.
  • Tạo sự cạnh tranh nhiều hơn trong ngành tài chính: Ngân hàng mở là nền tảng trung gian giúp dân chủ hóa khả năng cá nhân hóa, trong khi vẫn giữ cân bằng chi phí. Với ưu điểm này, mọi ngân hàng đều có thể nâng cao dịch vụ mà không còn phải lựa chọn giữa cá nhân hóa hay hiệu quả chi phí, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành tài chính. Nhưng chính sự cạnh tranh này mới buộc các ngân hàng liên tục nâng cấp dịch vụ để níu chân khách hàng.
  • Là cơ hội để các ngân hàng tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng, cũng như tạo ra nhiều cuộc trao đổi về chi tiêu và lựa chọn quản lý tiền. Quy định Ngân hàng mở phụ thuộc rất nhiều vào API và đóng vai trò là tài sản quý giá cho các công ty dịch vụ tài chính. Bởi vì, nó cho phép họ tăng cường cung cấp dịch vụ, cải thiện sự tham gia của khách hàng và xây dựng các kênh doanh thu kỹ thuật số mới.

Open Banking có ý nghĩa quan trọng đối với sự thay đổi và phát triển của ngành tài chính - ngân hàng.

2.2. Ý nghĩa đối với người dùng

Ngân hàng mở là cơ hội để người dùng có quyền kiểm soát và sở hữu nhiều hơn đối với dữ liệu tài chính của mình. Điều này đặc biệt có liên quan khi nói đến việc tùy biến và cá nhân hóa sản phẩm hoặc dịch vụ.

Ngân hàng mở nhằm mục đích cho phép cá nhân quản lý tiền và thông tin an toàn hơn. Với việc sử dụng API, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tăng cường bảo mật vì có thể đặt giới hạn về thời gian truy cập, độ dài và phạm vi.

2.3. Ý nghĩa đối với các bên thứ ba

Open Banking cho phép các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba truy cập vào dữ liệu tài chính của người dùng. Bên thứ ba, thường là các startups công nghệ với hệ dịch vụ mới mẻ và đột phá, nay có thể truy cập một cách an toàn vào dữ liệu tài chính của người dùng. Theo đó, bên thứ 3 có thể sử dụng dữ liệu về giao dịch tài chính để tối ưu hóa dịch vụ và thông điệp truyền thông phù hợp với từng khách hàng.

Nhờ ngân hàng mở, bên thứ ba có thể đào sâu phân tích hành vi khách hàng và tối ưu hóa dịch vụ của họ để phục vụ khách hàng tốt hơn.

3. Yếu tố cốt lõi để xây dựng ngân hàng mở

Khi khai thác tiềm năng và xây dựng dịch vụ ngân hàng mở, các ngân hàng, tổ chức tài chính và bên thứ ba cần quan tâm 5 yếu tố tối quan trọng:

  • Chiến lược phù hợp: Trước sự cạnh tranh của thị trường và nhu cầu pháp lý, các ngân hàng cần có chiến lược thích hợp dựa trên vị thế cạnh tranh, các yếu tố môi trường để tránh rủi ro.
  • Kho dữ liệu tiện ích: Cốt lõi của Open banking chính là hệ thống dữ liệu của nó. Để thực sự “mở”, dữ liệu phải được truy cập tự do. Các tổ chức tài chính phải hợp nhất dữ liệu nội bộ, đồng thời, cung cấp những dữ liệu đó cho ứng dụng kết hợp với dữ liệu bên ngoài.
  • Tập trung vào nắm bắt nhu cầu của khách hàng: Ngân hàng mở cần tập trung vào các mối quan tâm cốt lõi của khách hàng. Khách hàng cần có nhiều sự lựa chọn, so sánh và chuyển đổi liền mạch với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính.
  • Công nghệ bảo đảm an ninh: Hiện nay, đã có rất nhiều nền tảng với các công nghệ tài chính tiên tiến, bao gồm phát hiện gian lận dựa trên Internet, tích hợp thanh toán dựa trên Internet, quản lý tài sản dựa trên Internet, trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng blockchain.
  • Khung pháp lý hoàn thiện về Open Banking: Đây là điều kiện, tiền đề quan trọng nhất để xác định các tiêu chuẩn và trách nhiệm của ngân hàng, khách hàng và các bên thứ ba.

 

Mối quan tâm và sở thích tiêu dùng của khách hàng là một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng ngân hàng mở.

4. Các dịch vụ của ngân hàng mở

Ngân hàng mở đem đến cho khách hàng đa dạng dịch vụ và tiện ích với nhiều ưu điểm vượt trội.

  • Giao diện trực quan: Toàn bộ thông tin của khách hàng đều nằm trên một nền tảng hợp nhất và liền mạch. Đồng thời có thể sử dụng nền tảng này để tương tác, giao dịch với các tổ chức tài chính và các bên thứ ba.
  • Quản lý tài khoản: Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp khi phát triển các nền tảng để cho phép các dịch vụ đầu cuối bao gồm mở, quản lý và đóng tài khoản.
  • Thanh toán trực tuyến: Thông qua API, quy trình thực hiện trong Open Banking đơn giản và nhanh gọn hơn khi cho phép bỏ qua các dịch vụ thanh toán của bên thứ ba với tính minh bạch cao. Ngoài ra còn có sự đa dạng về hình thức thanh toán cho nhiều dịch vụ khác nhau như mua vé máy bay, vé tàu, điện nước, internet, mua sắm,…
  • Tiện ích khác: Gửi tiết kiệm online, vay online, thu hộ, Topup trực tuyến, đầu tư cổ phiếu, trao đổi tiền tệ,… đều được thực hiện trên chính giao diện của ngân hàng đang truy cập hoặc thanh toán, giao dịch liên kết từ ngân hàng hoặc nguồn tài chính khác qua API.

Ngân hàng mở cung cấp cho khách hàng đa dạng các tiện ích và giao diện trực quan.

5. Tại sao ngân hàng mở được coi là xu hướng?

Ngân hàng mở được các chuyên gia dự báo sẽ sớm trở thành xu hướng bởi hình thức này đem lại nhiều lợi ích và sự cải tiến cho cả người dùng và ngân hàng.

5.1. Đối với người dùng

Người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của dịch vụ ngân hàng mở:

  • Trải nghiệm khách hàng ngày càng được nâng cao và chú trọng: Người dùng hoàn toàn có thể quản lý và giám sát những tài khoản ngân hàng của mình. Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa dịch vụ và thông điệp truyền thông phù hợp với từng khách hàng.
  • Người dùng được hưởng lợi từ việc tăng quyền truy cập mới như dịch vụ, thông tin chi tiết, các sản phẩm, khả năng cá nhân hóa và tùy biến vì ngân hàng mở làm tăng các tích hợp và tính năng được cung cấp trong ngân hàng số.
  • Giảm chi phí giao dịch: Khi sử dụng ngân hàng mở, khách hàng sẽ giảm tối đa phí giao dịch cũng như các bước thanh toán trung gian. Bạn có thể ủy quyền trực tiếp cho bên cung cấp dịch vụ thứ ba truy cập và thanh toán từ tài khoản ngân hàng của mình.
  • Quản lý tài khoản dễ dàng hơn: Ngân hàng mở đem lại khả năng ưu việt giúp khách hàng quản lý tài khoản dễ dàng hơn từ một ứng dụng duy nhất tập hợp tất cả thông tin và dữ liệu giao dịch của toán bộ các tài khoản hiện có của khách hàng.

Ngân hàng mở đem lại trải nghiệm tài chính tốt hơn cho các khách hàng.

5.2. Đối với ngân hàng

Không chỉ người dùng, ngân hàng cũng được hưởng nhiều lợi ích khi xây dựng mô hình ngân hàng mở:

  • Giảm chi phí, tối ưu hóa dịch vụ, giảm thời gian dành cho giao dịch, tạo điều kiện cho phân tích dữ liệu khách hàng… Ngân hàng mở và việc sử dụng API thường xuyên góp phần gia tăng các tích hợp và tính năng được cung cấp trong ngân hàng số.
  • Gia tăng tiện ích sản phẩm và doanh thu cho ngân hàng: Open Banking giúp các ngân hàng cung cấp sản phẩm và tiện ích tốt hơn nhờ dịch vụ của các bên thứ ba, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng mới và tăng doanh thu.
  • Gia tăng lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng: Đối với hệ sinh thái xung quanh ngân hàng mở, ngân hàng được khách hàng trao quyền nhiều hơn hoặc giữ vị trí trung tâm để cung cấp dữ liệu khách hàng cho các đối tác, từ đó gia tăng sự hài lòng cũng như sự gắn kết của khách hàng với ngân hàng.
  • Giúp ngân hàng cân bằng và không phải lựa chọn giữa việc cá nhân hóa dịch vụ cho người tiêu dùng hay hiệu quả chi phí. Bởi ngân hàng mở là nền tảng trung gian giúp dân chủ hóa khả năng cá nhân hóa trong khi vẫn giữ cân bằng chi phí.

Open Banking góp phần nâng cấp chất lượng dịch vụ và trải nghiệm, từ đó giúp ngân hàng thu hút và dành được sự tín nhiệm của nhiều khách hàng.

6. Ngân hàng mở có an toàn không?

Trên thực tế, ngân hàng mở vẫn tồn tại một số rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Rủi ro chủ yếu tập trung vào sự cởi mở của chính ngân hàng mở. Các đối tác thường cung cấp các kịch bản để hợp tác với ngân hàng nhưng có rất ít đầu ra về khả năng cốt lõi để kiểm soát rủi ro.

Tuy nhiên, song song với rủi ro vẫn là các giải pháp hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn cho người dùng. Các ngân hàng nên xem xét và chuẩn bị tốt cho các kịch bản ứng phó với các rủi ro về đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề không thể đoán trước, từ đó xây dựng các cơ chế phát hành và cách ly bền vững.

7. BIDV tiên phong xu hướng ngân hàng mở

Không chỉ dẫn đầu và bứt tốc mạnh mẽ trên cuộc đua số hóa, BIDV còn đón bắt và thức thời trước xu hướng ngân hàng mở. Bên cạnh việc ra mắt BIDV SmartBanking thế hệ mới với trải nghiệm đồng nhất và liền mạch trên nhiều thiết bị, BIDV còn kết nối với hầu hết các công ty fintech, gần 1.000 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 1.600 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng,...

Với BIDV SmartBanking thế hệ mới, người dùng được hưởng lợi từ trải nghiệm đồng nhất, liền mạch cùng hàng ngàn tiện ích, dịch vụ đi kèm.

BIDV đã và đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các mặt hoạt động như:

  • Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại Web Chat, Facebook, Youtube,…;
  • Xây dựng đồng thời các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch;
  • Chuyển đổi quy trình thủ công tại quầy lên quy trình tự động vận hành trên các kênh ngân hàng số đối với hoạt động chuyển khoản, thanh toán, trả nợ vay, gửi tiền online, quản lý và trả nợ thẻ tín dụng,...;
  • Phối hợp triển khai một số sản phẩm sáng tạo như Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại;
  • Phát triển ứng dụng BIDV Home, ứng dụng Blockchain, công nghệ mới về Robotics và trí tuệ nhân tạo;
  • Triển khai và xây dựng các mô hình khai thác dữ liệu lớn, dữ liệu phi cấu trúc, ứng dụng các mô hình phân tích để đánh giá giá trị vòng đời khách hàng, marketing, bán chéo sản phẩm đúng đối tượng khách hàng,...

"Khách hàng là trọng tâm trong mọi quyết định chuyển đổi số của BIDV". Với tâm niệm đó, BIDV đưa ra những chiến lược khác biệt trong việc định vị dịch vụ ngân hàng số thế hệ mới SmartBanking, xác định đây là sản phẩm cốt lõi, đem lại cho khách hàng giá trị và trải nghiệm tốt nhất.

*

Ngân hàng mở đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho cả ba bên gồm người dùng, ngân hàng và bên thứ ba hợp tác cùng ngân hàng. Đây là xu thế đòi hỏi ngân hàng phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về chiến lược, công nghệ,... để xây dựng và phát triển. Nếu có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn về open banking và sử dụng dịch vụ của BIDV, quý khách hàng hãy truy cập tại đây hoặc liên hệ Hotline 1900 9247 để được tư vấn thêm.

Đăng ký ngay với BIDV để được hưởng ưu đãi hấp dẫn nhất!

Các bài viết liên quan

BIDV

Kết quả gợi ý

    Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý

      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
       
       
      Complementary Content
      ${loading}