Đó là ông Trịnh Huy Quang, cán bộ lão thành cách mạng, vị Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, đơn vị tiền thân của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện nay.

Hơn ba chục năm trước, tôi là chàng thiếu úy tuyên văn từ Quân khu Bốn khoác ba lô ra nhận công tác ở Tổng cục Chính trị, được sống với toàn những bậc cha chú tuổi tên lừng lẫy. Giờ thể thao đi qua chỗ các “cụ” đang chơi bóng bàn, hôm nào nhanh tay nhặt được quả bóng văng xa, mang về cho các “cụ” là lấy làm hãnh diện lắm. Nhờ thế mà tôi được chú Châu, thiếu tá ở phòng Tổng hợp, một cây vợt cự phách nổi tiếng cả Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ, thỉnh thoảng bắt chuyện hỏi han. Khoảng cuối năm 1984, cả cơ quan Tổng cục Chính trị xôn xao chuyện ông Châu chuyển ngành sang dân sự. Một Thiếu tá quân đội chuyển ngành thì có gì ghê gớm đâu, nhưng trường hợp ông này thì đặc biệt đấy, đích thân ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cơ quan trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng - sang làm việc với Thủ trưởng Tổng cục Chính trị để xin ông Châu nhé. Lại nghe nói, việc này có cả ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nữa. Gớm cái ông Châu suốt ngày chỉ cắm cúi viết báo cáo Công tác Đảng, công tác chính trị và chơi bóng bàn, thế mà tẩm ngẩm tầm ngầm viết một bản kiến nghị về “Đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh” những mấy chục trang gửi lên Trung ương. Ngày ấy, không khí Pêrêxtrôika (cải tổ) của Liên Xô đang tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị nước ta. Rất nhiều trí thức, tướng lĩnh, nhà quản lý… tâm huyết đóng góp ý kiến với Đảng về nhiều lĩnh vực trước thềm Đại hội VI. Nghe nói bản kiến nghị của ông Châu được Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá rất cao. Mà ông ấy cũng là con nhà nòi, trưởng nam một lão thành cách mạng tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội từ năm 1928, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trước năm 1945, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Chính ủy Khu VI thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam và là cựu Ủy viên Đảng Đoàn của Bộ Tài chính cơ mà...

Ông Trịnh Huy Quang

Người ta còn kể nhiều chức vụ lớn của thân sinh ông Châu nữa. Ví như ông cụ còn là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta ở Triều Tiên thời kỳ 1960 - 1963, sau về Ban Thanh tra Chính phủ làm Vụ trưởng… Tiếc là cụ bị bệnh phải nghỉ điều trị và mất năm 1974, lúc mới ngoài 60 tuổi… Thực tình lúc đó, những thông tin người ta bàn tán trên đây tôi nào có quan tâm. Đâu ngờ hơn ba chục năm sau, tôi lại phải mày mò tìm kiếm để “vẽ” chân dung của ông. Dù sao cơ sự cũng may mắn cho tôi được gặp con trai cụ lại chính là người quen ở cùng cơ quan cũ. Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông Trịnh Huy Châu nói luôn:

- Thực tình, tôi hiểu biết về cụ nhà tôi rất ít, vì từ bé đến lớn có được ở với cụ bao lâu đâu. Này nhé: Hồi nhỏ tôi sống với mẹ ở cơ quan Việt Minh Thanh Hóa còn cụ ở Liên khu V. Sau này cụ ra Việt Bắc rồi về Hà Nội công tác thì tôi học ở Quế Lâm - Trung Quốc. Những năm đầu thập niên 60, tôi về nước học Đại học Sư phạm Vinh thì cụ công tác ở Triều Tiên. Năm 1964 cụ về nước thì tôi đi bộ đội, trực chiến phòng không ở Đông Bắc. Những năm cụ ốm đau bệnh tật và qua đời thì tôi đang học ở Liên Xô…

 Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Châu về người cha thân yêu, có lẽ là cái lần ông theo mẹ vào miền Nam tìm gặp cha. Đó là vào khoảng cuối năm 1946, ông Châu mới tròn 7 tuổi. Mẹ ông là bà Trần Thị Thọ, quê ở Bình Lục - Hà Nam, là cán bộ được Xứ ủy Bắc Kỳ bổ sung cho Tỉnh ủy Thanh Hóa đầu năm 1938. Đầu năm 1939 bà kết hôn với Bí thư Trịnh Huy Quang, cuối năm sinh con trai là Trịnh Huy Châu thì ông Quang được điều động vào Nghệ An, sau đó bị bắt đày đi Buôn Ma Thuột. Nay nghe tin ông còn sống và làm cán bộ quân đội ở Khánh Hòa, mẹ con ông Châu dắt díu nhau đi tìm. Ròng rã mấy tháng trời lặn lội, nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đơn vị trên đường, cuối cùng họ cũng gặp được ông Quang đang làm Chính ủy Trung đoàn 80 bộ đội chủ lực Liên khu V đang đóng ở Ninh Hòa - Khánh Hòa. Bấy giờ Mặt trận Nha Trang bị vỡ, chiến sự lan khắp vùng, Chính ủy Trịnh Huy Quang phải gửi vợ con ở nhà dân, cách đơn vị mấy chục cây số, cứ vài tuần vợ chồng, cha con mới được gặp nhau khi thì một đêm, khi thì nửa ngày… Được hơn 3 tháng như thế thì bà Thọ có lệnh phải trở về Thanh Hóa, mang theo ông Châu ra gửi cho bà nội ở huyện Vĩnh Lộc để tiếp tục công tác. Có lẽ, đó là thời gian ông Châu được “gần gũi” cha lâu nhất. Tiếc là ngày ấy ông còn bé quá, hình ảnh người cha chưa đọng được trong tâm trí bao nhiêu. Vả lại, trước đó để bảo đảm an toàn cho gia đình và tổ chức, ông thường được nghe mẹ nói cha đã chết trong tù rồi…

Cảm thông với vẻ mặt thất vọng của tôi, ông Trịnh Huy Châu đến bên tủ sách gia đình, lục tìm mấy cuốn đưa cho tôi:

- Trong này có một số tài liệu tin cậy về ông cụ, cậu có thể tham khảo thêm…

Cầm mấy cuốn sách trên tay, tôi lật vội xem qua mục lục, lướt qua một số trang và mừng rỡ suýt reo lên. Thế này thì ngon rồi! Cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa” (1930 - 1975) do Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Nha Trang ấn hành năm 2001, có rất nhiều sự kiện gắn với những hoạt động của đồng chí Trịnh Huy Quang. Cuốn “Lịch sử Trung đoàn 80 Bộ đội chủ lực Liên Khu V” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, có rất nhiều đoạn khá chi tiết về giai đoạn ông Quang làm Chính ủy. Cuốn hồi ký “Những ngày hoạt động ở Thanh Hóa” do chính ông Trịnh Huy Quang kể, nhà nghiên cứu Lê Liệu ghi, rất bài bản chuyên nghiệp. Đặc biệt, cuốn “Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa” (tập I) do Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2010, có hẳn một bài viết dài hơn ba chục trang về cố Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Huy Quang thời kỳ 1936 - 1939…

 Và từ những tài liệu trên đây, tôi đã có thể hình dung phần nào chân dung “Người Anh Cả” của các thế hệ cán bộ, nhân viên BIDV. Theo đó, ông Trịnh Huy Quang sinh năm 1909 trong một gia đình trung nông có chút chức sắc ở làng Phúc Tường, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thời niên thiếu, Trịnh Huy Quang được gửi về thị xã Thanh Hóa ăn học. Đó cũng là thời kỳ ở Thanh Hóa có 2 tổ chức cách mạng hoạt động khá mạnh là Việt Nam Thanh niên cách mạng và Tân Việt cách mạng Đảng. Cùng đó là những phong trào yêu nước như cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, lễ truy điệu và để tang cụ Phan Chu Trinh… cùng các sách báo tiến bộ công khai và bí mật lưu hành, đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước của đông đảo học sinh - thanh niên. Năm 1927, Trịnh Huy Quang đỗ Primarie nhưng không đi làm công chức “lập danh” mà về quê nung nấu quyết tâm “làm một cái gì đó để tham gia cứu nước”. Năm 1928, ông được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau Đại hội toàn quốc Thanh niên cách mạng đồng chí Hội họp ở Hồng Công tháng 5-1929, Trịnh Huy Quang cùng nhiều đồng chí khác đi “vô sản hóa” tại các cơ sở công nghiệp trong tỉnh. Hoạt động của tổ chức bị lộ, nhiều hội viên bị bắt, trong đó có Trịnh Huy Quang bị kết án 5 năm tù, bị đày đi Nha Trang và Buôn Ma Thuột. Trong tù, ông tham gia thành lập chi bộ tù cộng sản để lãnh đạo các cuộc đấu tranh với cai ngục, học tập chính trị và tìm cách liên lạc với tổ chức bên ngoài. Năm 1932, ông được ra tù, trở về quê nhà tham gia Đảng cộng sản, tiếp tục hoạt động và bị bắt lần thứ hai vào cuối năm 1933, bị kết án 2 năm và bị giam ở nhà lao Thanh Hóa. Cuối năm 1935, Trịnh Huy Quang ra tù, móc nối lại cơ sở, tiếp tục hoạt động. Từ năm 1936 đến năm 1939, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuốn “Lịch sử Thanh Hóa” tập 5 do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1996 nhận định: “Những thắng lợi của phong trào cách mạng trong thời kỳ mặt trận dân chủ (1936 - 1939) ở Thanh Hóa có sự đóng góp to lớn của Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Huy Quang”.

Giữa lúc phong trào cách mạng ở Thanh Hóa đang sôi động thì đầu tháng 4 -1939, đồng chí Trịnh Huy Quang được Trung ương điều động vào tăng cường cho Nghệ An. Tháng 7 năm đó, sau cuộc mít tinh lớn ở Quỳnh Lưu, ông bị bắt lần thứ ba, bị đày đi Buôn Ma Thuột. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông thoát khỏi nhà tù và được điều động vào hoạt động ở vùng Nam Trung Bộ. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trịnh Huy Quang làm Chủ tịch ủy ban Nhân dân lâm thời huyện Ninh Hòa rồi Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Từ tháng 7-1946 ông được điều động sang quân đội, làm Chính ủy Trung đoàn 80 rồi Chính ủy kiêm Tư lệnh khu VI trực thuộc Liên Khu V.

Giữa năm 1954, Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu VI trực thuộc Liên khu V Trịnh Huy Quang được cử đi học Trường Đảng cao cấp ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Năm 1955, ông về nước, tiếp tục tham gia quân đội một thời gian rồi được cử sang tham gia Ban lãnh đạo Bộ Tài chính. Tháng 4-1957, Nhà nước thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính, với chức năng đúng như tên gọi của nó là tham gia phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Trịnh Huy Quang lúc bấy giờ là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Tài chính, được cử làm Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, chèo lái con thuyền trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”.

Cuối năm 1958, ông được rút về lại Bộ Tài chính. Từ tháng 10-1960 đến tháng 11-1963, ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Hết nhiệm kỳ Đại sứ, ông về làm Vụ trưởng thuộc ban Thanh tra Chính phủ. Do nhiều lần bị địch bắt tra tấn, giam cầm nên sức khỏe ông ngày mỗi sa sút. Ông mất ngày 31-10-1974 tại Hà Nội, hưởng thọ 65 tuổi. Do có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, ông Trịnh Huy Quang được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Chiến thắng hạng Nhất. Năm 1999, ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Hiện nay, một đường phố lớn ở thành phố Thanh Hóa được mang tên Trịnh Huy Quang.

Trong giai đoạn ông Trịnh Huy Quang làm Giám đốc, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã góp phần khôi phục, mở rộng và xây dựng mới nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng với kinh tế đất nước như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy điện Yên phụ, Nhà máy xi măng Hải Phòng, các mỏ than ở Quảng Ninh, Xưởng đóng tàu Hải Phòng, Xưởng sửa chữa xe lửa Gia Lâm, các nhà máy Cơ khí Hà Nội, Dệt 8-3, chè Phú Thọ, Diêm Thống Nhất,...

Trong ảnh: Một phân xưởng của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo

Vậy là, dựa vào những tài liệu đáng tin cậy trên đây, tôi đã phần nào hình dung được cuộc đời và sự nghiệp của lão đồng chí Trịnh Huy Quang, từ thủa thiếu thời hăng hái tham gia cách mạng, trưởng thành trong thực tiễn công tác, đảm đương những chức vụ quan trọng… cho đến ngày qua đời, để lại một di sản tinh thần quí giá cho đồng nghiệp và con cháu. Có một giai đoạn ngắn thôi, nhưng rất cần cho bài viết của tôi, thì tài liệu lại không thể hiện được nhiều. Ấy là thời kỳ ông được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, đơn vị tiền thân của BIDV hiện nay. Tôi hỏi ông Trịnh Huy Châu, cố nhớ xem hiện còn ai là cộng sự cùng ông trong giai đoạn ấy. Ông Châu thẫn thờ:

- Chắc chẳng còn ai mà tìm đâu cậu ạ. Cộng sự của cụ, người trẻ nhất cứ cho là mới ngoài hai mươi lúc đó, thì nay nếu còn sống cũng xấp xỉ chín mươi rồi, còn lứa tuổi như cụ, thì đã trăm năm có lẻ…

Tôi lại cố vớt vát: Hay là bác cố nhớ xem, hồi ông cụ công tác ở Bộ Tài chính, nay có ai còn sống? Ông Châu lại trầm ngâm một lát rồi ồ lên phấn khích:

- Tôi nhớ ra rồi! Mùa hè năm 1985, tôi được tham gia đoàn công tác “liên ngành” sang tìm hiểu mô hình quản lý kinh tế ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng ta. Trong đoàn có chị Mai Cương là Thứ trưởng Bộ Tài chính, lúc đó mới ngoài năm mươi tuổi. Chị Cương có kể với tôi là đã từng được làm nhân viên dưới quyền của cụ nhà tôi, được cụ nhà tôi chỉ bảo, giúp đỡ rất nhiều. Nguyên văn lời chị ấy nói với tôi thế này: “Chị được như hôm nay, một phần là nhờ ông cụ nhà em đấy!”. Chị còn kể rất nhiều giai thoại về ông cụ nhà tôi, rằng là mỗi lần đi công tác cơ sở, anh chị nào quên không mang theo phiếu gạo thì phải qui ra tiền mặt mà thanh toán sòng phẳng cho người ta, cấm không được “ăn quỵt” cơ sở. Lại có chuyện hồi tôi đang đóng quân ở bãi Cháy, tết năm ấy bác Phạm Văn Đồng cho người mang quà Tết sang biếu ông cựu Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa, vốn là bạn tù hồi trước, nay cũng có con là bộ đội đang trực chiến phòng không như gia đình bác ấy. Bữa đó anh cán bộ văn phòng về báo cáo lại với bác Đồng là nhà ông Quang sơ sài đơn giản quá, đến nỗi cái bàn làm việc kiêm cả bàn ăn và bàn tiếp khách mà cứ khập khà khập khểnh vì chỉ được 3 chân chắc chắn. Sự việc sau đó được phản ánh lại với bộ phận vật tư - hành chính của Bộ Tài chính…

May sao một lần nữa, anh bạn đồng nghiệp “cứu tinh” của tôi lại dò được số điện thoại của cụ Cư là phu quân của bà Mai Cương, nhờ đó mà tôi liên lạc được với bà cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Sau một hồi “nói to lên chút nữa” theo yêu cầu của bà nhưng bất lực, bà bảo: “Xin lỗi anh, tôi bây giờ già yếu, nghe không rõ nữa. Hay là anh gọi vào điện thoại để bàn, số máy là… để tôi nghe cho rõ”. Tôi rối rít làm theo. Sau khi nghe tôi trần tình, giọng bà bỗng trở nên rành rọt:

 - Hồi đó tôi xấp xỉ ba mươi, mới chỉ là nhân viên thường ở Bộ tài Chính thôi, nên không nắm rõ công việc của Vụ Cấp phát vốn kiến thiết cơ bản của bác Quang. Tôi chỉ nhớ là bước sang năm 1957, công cuộc khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh cơ bản hoàn thành, bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển nền kinh tế có kế hoạch để tiến dần lên Xã hội Chủ nghĩa. Theo đó, số vốn đầu tư của Nhà nước vào công tác kiến thiết sẽ tăng lên rất nhiều, đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý đủ tầm để thúc đẩy hoàn thành kế hoạch kiến thiết cơ bản, hạ giá thành công trình, thực hành tiết kiệm và tích lũy vốn cho Nhà nước. Vì vậy cuối tháng 4-1957, Chính phủ đã ra Nghị định chuyển Vụ Cấp phát vốn kiến thiết cơ bản trực thuộc Bộ Tài chính thành Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam. Theo đó, ở những địa phương có nhiều hoạt động kiến thiết cơ bản thì các Phòng cấp phát ở đó sẽ chuyển thành Chi hàng Kiến thiết; Ở những địa phương công tác kiến thiết không nhiều, không lớn thì vẫn duy trì các Phòng cấp phát như cũ, hoặc Bộ Tài chính ủy nhiệm cho các Ty Tài chính sở tại cấp phát hộ.

Chữ ký ông Trịnh Huy Quang và con dấu của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam

Có thể nói “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng hai năm làm Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, bác Quang đã lãnh đạo tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đó là: Bảo đảm cung cấp kịp thời và chính xác tiền vốn kiến thiết cơ bản, giám sát sử dụng tiền vốn hợp lý; Tăng cường kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch bỏ vốn, qua đó thúc đẩy tiến độ thi công các công trình, chống thất thoát lãng phí, đặc biệt là nâng cao hiệu quả đầu tư và tích lũy vốn để thúc đẩy bộ phận kinh tế Xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển… Đấy, về những năm đầu của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam tôi chỉ nhớ được như thế.

Lạy giời, mỗi lời bà cựu Thứ trưởng tài chính vừa trao đổi, đối với tôi quý giá vô cùng, nhưng tôi vẫn gãi đầu gãi tai nài nỉ: “Bà ơi, bà cố nhớ cho con một vài con số hay sự việc cụ thể nào đấy, về những kết quả chung của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trong 2 năm đầu thành lập, cũng là hai năm bác Trịnh Huy Quang làm Giám đốc đầu tiên…”. Bà Mai Cương cả cười:

 - Cái anh này “thấy bở đào mãi”! Cơ mà lâu quá rồi, những con số của ngân hàng thì làm sao tôi nhớ được. Còn như các công trình kiến thiết cơ bản thì anh là nhà văn, chắc anh phải biết rõ hơn tôi, ấy là những đứa con đầu lòng của công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc như sách báo các anh vẫn thường nói đấy: Than Phấn Mễ, Thiếc Cao Bằng, Gang thép ở Thái Nguyên, A-pa-tít ở Lào Cai, Cao-Xà-Lá ở Hà Nội v.v… À, tôi nhớ ngay trong năm đầu tiên thành lập, tức là năm 1957, Ngân hàng Kiến thiết đã tránh cho Tài chính khỏi ứ đọng và lãng phí vốn xấp xỉ 40 tỉ đồng, trong đó tránh ứ đọng vốn là 22 tỉ đồng. Sở dĩ tôi nhớ được mấy con số trên đây, là bởi nó liên quan đến một đề tài nghiên cứu chuyên môn về đổi mới chế độ cấp phát và tác phong công tác của ngành mà thế hệ chúng tôi sau này thực hiện…

Tôi nhẩm ngay một phép “qui đổi” theo hiểu biết của mình: Cách đây 60 năm, một bát phở ở Hà Nội trên dưới 3 hào, một chỉ vàng trên dưới 50 đồng và một viên chức hưởng lương 36 đồng là có thể nuôi một vợ một con xông xênh… Vậy thì 40 tỉ đồng tiết kiệm được cho Nhà nước ngày ấy, bằng hàng trăm ngàn tỉ bây giờ… Chao ôi, giá như bây giờ… Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ những lời bà Trưởng Ban liên lạc cán bộ hưu trí của Bộ Tài chính nói với tôi hôm nào: “Thế hệ cán bộ như cụ Quang, ai cũng trui rèn qua gian khổ khó khăn, một lòng một dạ vì Đảng, vì dân, thực sự là những tấm gương sáng ngời đạo đức cộng sản…”. Vâng, một trong những cán bộ như vậy đã tham gia xây dựng nền móng của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, để các thế hệ cán bộ - nhân viên của toàn ngành đã chung sức chung lòng xây đắp nên “lâu đài” BIDV hôm nay, trở thành một thương hiệu mạnh trong nước và khu vực, được các tổ chức uy tín của quốc tế tôn vinh với những danh hiệu đẳng cấp cao quý!

(Nguồn tư liệu: Bản tin Đầu tư Phát triển - số tháng 4/2017)

Tác giả: Nhà văn, nhà báo Mai Nam Thắng
BIDV

Kết quả gợi ý

    Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý

      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
       
      Συμπληρωματικό περιεχόμενο
      ${loading}